Môi trường ô nhiễm, thói quen dùng mỹ phẩm, sự thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến da dễ bị mụn và cần phải chăm sóc da đúng cách thì mụn mới lặn...


Để chăm sóc da hiệu quả, trước tiên cần phân biệt da bị mụn do nội tiết hay do dùng mỹ phẩm.

Mụn do nội tiết

Nguyên nhân chính gây ra mụn là do nội tiết thay đổi, hay do sự mất cân bằng nội tiết tố androgen (đối với nữ) và oestrogen (đối với nam) quá mức gây rối loạn. Khi đó da sẽ sản xuất nhiều dầu và bã nhờn, kết hợp với các bụi bẩn, tế bào chết... khiến lỗ chân lông bị bít tắc gây mụn, sưng, viêm...


Cách nhận diện mụn nội tiết: Thông thường mụn sẽ xuất hiện vào những ngày gần kề hoặc trong kỳ “đèn đỏ” của nữ. Mụn do nội tiết thường mọc ở khu vực xung quang miệng, xương quay hàm, xương gò má. Mụn có dạng hình cầu, tròn, nhân nằm sâu trong nốt mụn và dễ hình thành nên dạng mụn bọc, mụn viêm, mụn nhọt. Những loại mụn này khi mọc sẽ sưng viêm, gây đau rát khi chạm vào.

Mụn do mỹ phẩm

Nguyên nhân gây mụn do cơ địa dị ứng với một số thành phần trong mỹ phẩm, đặc biệt là các mỹ phẩm có chứa corticoid, hoặc do da bị dị ứng các loại mỹ phẩm, thậm chí một số trường hợp còn dị ứng với mặt nạ dưỡng da, nên nổi mụn.

Mụn do mỹ phẩm thường xuất hiện ngay sau khi sử dụng mỹ phẩm hoặc sau vài ngày, có các dấu hiệu ngứa, đỏ, nổi mụn nước nhỏ li ti nhưng không có nhân mụn. Tùy theo tình trạng, cơ địa mà mức độ hóa chất có trong mỹ phẩm mà vị trí nổi mụn sẽ khác nhau. Đối với trường hợp nhẹ, ban đầu mụn sẽ xuất hiện như những mụn rôm sẩy nhỏ, đỏ li ti quanh trán, sau đó lan ra má và các vùng xung quanh. Trường hợp nặng, mụn nổi dày đặc khắp mặt, khiến mặt sưng đỏ, ngứa, rát.

Ứng phó với mụn

Khi bị mụn, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn xử trí. Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc. Đồng thời, để cải thiện tình trạng mụn, hãy tham khảo các bước chăm sóc da dưới đây.

- Tẩy trang sạch sẽ: Có thể dùng nước hoặc dầu tẩy trang tùy loại da. Đổ nước/dầu tẩy trang lên bông và tiến hành làm sạch tất cả các bộ phận trên khuôn mặt. Lưu ý là cần bảo quản miếng bông thật sạch vì vi khuẩn có thể xâm nhập. Lau nhẹ nhàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Công đoạn này giúp làm sạch bụi bẩn bám trên mặt hiệu quả.

- Tẩy tế bào chết bằng sản phẩm dịu nhẹ cho da mụn: Da tái tạo hàng ngày, do đó, nó sẽ thải ra lớp biểu bì già cỗi và thừa thãi. Cần làm sạch các tế bào này để da không bị xỉn màu, mịn màng và bóng hơn. Với da mụn, nên sử dụng kem tẩy tế bào chết chiết xuất từ thiên nhiên, chứa ít hạt. Quá nhiều hạt tẩy có thể khiến da bị tổn thương nặng nề hơn.


Rửa mặt kỹ và sử dụng toner cân bằng da: Đây là bước quan trọng không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da mụn. Nên sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn và ít tạo bọt. Nên rửa hết khuôn mặt và cả phần dưới cằm để hạn chế tối đa nốt mụn mọc.

Sau khi rửa mặt, cần sử dụng toner để cân bằng độ pH cho da. Có thể tự làm nước hoa hồng tại nhà để thay thế.

- Đắp mặt nạ dưỡng da: Mặt nạ sẽ cấp nước và dưỡng chất cho da, giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo và hồi phục. Mặt nạ nên được chiết xuất thiên nhiên như mật ong, trà xanh, tràm trà, nha đam, cà chua,... và không chứa alcohol. Nên đắp mặt nạ tối thiểu 2 lần/tuần.

- Cấp ẩm cho da mụn: Da mụn rất cần nước. Đó là lý do tại sao cần cấp ẩm cho da. Có thể cấp ẩm bằng kem dưỡng hoặc xịt khoáng. Với da mụn, xịt khoáng sẽ có lợi hơn dùng kem lỏng.

Thoa kem chống nắng khi ra ngoài: Cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để bảo vệ và cải thiện làn da mụn của mình. Nếu ở ngoài nắng liên tục thì hãy thoa kem 2 giờ/lần .